slider01
slider02

Nhu cầu tiêu thụ điện năng trong nước hiện nay đang rất cao, là dư địa lớn cho các nhà sản xuất thiết bị điện. Song song đó là sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực này, buộc các doanh nghiệp nội phải thay đổi, đầu tư công nghệ mới.

Ông Phạm Lê Minh, Giám đốc điều hành khối IoT của CTCP Bóng đèn Điện Quang, cho biết để tăng sức cạnh tranh trên thị trường thiết bị điện, thời gian qua, công ty đã dần dần đưa công nghệ số hóa vào việc sản xuất các sản phẩm bóng đèn từ chiếu sáng chuyển sang “chiếu sáng thông minh hơn” kết hợp nền tảng công nghệ IoT (Internet kết nối vạn vật) nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Khó tránh áp lực

Tuy vậy, trước sức ép cạnh tranh lớn ở thị trường thiết bị điện, nguồn thiết bị điện nhập khẩu tận dụng các ưu đãi thuế quan từ những hiệp định thương mại, Điện Quang cũng không tránh khỏi những áp lực.

Thế nhưng, đó cũng chính là động lực để doanh nghiệp (DN) nội này phải thay đổi sản phẩm của mình sang một hướng mới nhằm bảo đảm cơ hội phát triển kinh doanh tốt hơn.

“Từ cách đây 3 năm, chúng tôi đã manh nha những việc đầu tiên nhằm tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm mới. Công ty đã phải đầu tư rất nhiều vào việc này để tăng sức cạnh tranh”, ông Minh chia sẻ.

Không chỉ với phân khúc bóng đèn, cuộc đua tranh giành thị phần giữa các DN cả khối nội lẫn khối ngoại trên thị trường thiết bị điện ở Việt Nam hiện đang diễn ra rất khốc liệt, nhất là khi thị trường này đang có tốc độ tăng trưởng rất cao (khoảng 20 – 25%/năm) trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện năng rất lớn.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM, dự báo sản lượng điện thương phẩm của cả nước năm 2019 sẽ đạt trên 211 tỷ kWh, trong đó riêng Tp.HCM là trên 26 tỷ kWh. Số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng cho thấy chỉ riêng vào ngày 20/5/2019, công suất hệ thống điện toàn quốc đã đạt tới 36.800 MW, tăng đến 12,2% so cùng kỳ năm ngoái.

Trước nhu cầu tiêu thụ lớn, trong khâu chính sách cũng đề ra kế hoạch để các DN sản xuất thiết bị điện trong nước cố gắng vươn lên nhằm đáp ứng thị trường.

Cụ thể, trong 6 năm tới (năm 2025), mục tiêu của ngành sản xuất thiết bị điện nội địa là có thể đáp ứng 60-70% nhu cầu trong nước các loại công tơ điện, khí cụ điện, các hệ thống ghi đếm – giám sát an toàn lưới điện, trọn bộ thiết bị trạm điện, và xuất khẩu (XK) đạt 19-20% giá trị sản xuất. Đồng thời, ngành thiết bị điện tập trung sản xuất các loại dây – cáp điện chất lượng cao với kim ngạch XK tăng 35,5%/năm…

Ngoài ra, ngành sản xuất thiết bị điện ở Việt Nam cần phát triển để đáp ứng 70% nhu cầu trong nước về thiết bị đường dây và trạm biến áp, đáp ứng 55% về động cơ điện, một số chủng loại máy phát điện thông dụng. Đến năm 2025, Việt Nam có thể sản xuất, cung ứng trọn bộ thiết bị điện cho các công trình đường dây và trạm biến áp. Đồng thời, đáp ứng 50 – 60% nhu cầu máy biến thế 110-220kV.

Du-dia-lon-thi-truong-thiet-bi-2068-6698

Áp lực cạnh tranh đòi hỏi DN thiết bị điện nội địa phải thay đổi

Không để vuột cơ hội

Để đạt được những mục tiêu này không phải là vấn đề dễ dàng trong bối cảnh thực lực sản xuất của ngành thiết bị điện trong nước còn không ít vấn đề, áp lực cạnh tranh với khối ngoại ngày càng lớn.

Theo quan sát của Thời báo Kinh Doanh tại Triển lãm quốc tế lần thứ 12 về Công nghệ và Thiết bị điện – Vietnam ETE 2019 và Enertec Expo (diễn ra tại Tp.HCM từ ngày 17 – 20/7), có sự lấn át từ những gian hàng của các nhà cung cấp thiết bị điện nước ngoài như Đức, Pháp, Mỹ, Thuỵ Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Các gian hàng của các nhà cung cấp thiết bị điện, cơ khí nội địa vẫn quanh quẩn vài cái tên quen thuộc như Điện Quang, Gelex, Long Giang, Tuấn Ân, Thịnh Phát…

Giới chuyên gia cho rằng ngoài một số DN chịu khó đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới, điểm hạn chế lớn của đa phần các DN nội trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện là còn yếu về đổi mới công nghệ – một trong những yếu tố quyết định thắng thua trên thị trường.

Mặt khác, dự báo từ một số tổ chức nghiên cứu thị trường cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng tìm đến các thiết bị điện tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam sẽ tăng lên trong những năm tới song song với nhu cầu điện và từ việc tăng giá điện.

Chính vì vậy, những DN nội nào nắm bắt được xu hướng mới này, đầu tư vào R&D và tiến tới đổi mới công nghệ thì sẽ trụ vững tốt hơn trước các đối thủ ngoại.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, trước xu hướng sản phẩm tiết kiệm năng lượng không thể thiếu vai trò của các DN nội trong việc đầu tư công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển điện quốc gia VII, nhu cầu điện năng ở Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng hàng năm đáng khích lệ là 9% từ nay đến năm 2025 và 8% đến năm 2030.

Điều này một mặt cho thấy nhu cầu tiêu thụ điện năng rất lớn, mặt khác chính là dư địa của thị trường tiêu thụ thiết bị điện ở Việt Nam còn nhiều. Do vậy, các DN nội trong ngành thiết bị điện cần tận dụng, không để vuột mất cơ hội ngay trên sân nhà.

0916 846 806